Laptop bị dính nước, làm gì cho đúng?
Laptop bị dính nước là trường hợp mà rất nhiều người đã từng gặp phải nhưng lại không biết cách xử lý đúng đắn. Vậy nếu bạn cũng rơi vào tình huống rủi ro này thì phải làm sao?
1. Ngắt kết nối ngay lập tức khi laptop dính nước
Ngay khi laptop bị dính nước, các bạn cần tắt máy khẩn cấp. Lúc này chỉ 1 vài giây cũng có ảnh hưởng rất lớn tới sự “sống còn” của máy tính. Bạn không cần phải tuần tự shut down theo trình tự thông thường, mà hãy rút ngay nguồn điện hoặc tháo rời pin, cũng như ngắt tất cả các kết nối chuột, USB, ổ cứng di động,…
2. Làm khô bên ngoài
Sau khi máy tính đã tắt, các bạn hãy dùng vải thấm nước lau hết phần nước ở bề măt ngoài. Sau đó mở laptop hết cỡ, úp ngược máy tính xuống theo hướng màn hình và bàn phím ở mặt dưới để nước không ngấm thêm vào các bộ phận bên trong. Chú ý khi chọn vải lau khô nên chọn vải mềm, có tính thấm hút mạnh, ít sợi bông nhỏ.
3. Làm khô từng phần khi laptop dính nước
Sau khi đã “sơ cứu”, các bạn có thể lựa chọn giữa 2 phương án là mang ra các cửa hàng sửa chữa, bảo hành hoặc tự “cứu” máy tính của mình. Nếu quyết định tự cứu thì bắt buộc bạn phải có những hiểu biết nhất định và cần cẩn thận khi thao tác, tuy nhiên phương án này có thể tăng khả năng “sống sót” cho máy tính của bạn vì đáp ứng về mặt thời gian.
Trước tiên bạn cần kiếm tuôc – nơ – vit để tháo rời các linh kiện của máy: pin, bàn phím, ổ cứng, khung viền màn hình, RAM, bo mạch chủ.
Lau khô các linh kiện
Nếu như laptop bị dính nước nhiều, các bộ phận bên trong đã bị ảnh hưởng, thì bạn cần lau nhẹ nhàng từng linh kiện một. Với những chất lỏng không phải là nước lọc, thì nên dùng bông nhúng cồn isopropyl 99 độ để làm sạch. Nó sẽ bay hơi rất nhanh mà không lưu lại dấu vết cũng như gây mòn thiết bị. Đối với màn hình, hãy dùng hỗn hợp nước – cồn theo tỷ lệ 1:1 để lau. Chú ý không sử dụng nước vòi vì nó có thể lưu lại những chất dễ gây chập cháy sau này, tốt nhất hãy dùng nước cất.
Nếu có bình nén xịt khí thì hãy tận dụng để làm bốc hơi nhanh hơi nước. Sau đó hãy đợi cho chúng khô tự nhiên từ 2 – 3 ngày chứ đừng vội vàng lắp lại vào máy. Nên nhớ tuyệt đối không sử dụng máy sấy tóc để sấy vì có thể ảnh hưởng tĩnh điện.
Lắp ráp máy
Sau khi đã thực hiện đúng tất cả những hướng dẫn trên, các bạn hãy lắp ráp máy lại như ban đầu rồi khởi động và chạy thử xem có vấn đề gì không. Nếu không “cứu” được, bạn buộc phải mang ra các trung tâm sửa chữa để được giúp đỡ, nhưng phải nhớ chọn những địa chỉ uy tín, đặc biệt là khi trong máy tính chứa các dữ liệu quan trọng. Cẩn thận hơn, bạn có thể tháo ổ cứng mang tới những nơi cứu dữ liệu để phục hồi dữ liệu ổ cứng, còn máy tính thì mang tới nơi bảo hành để tránh tình trạng mất dữ liệu đáng tiếc.